BÌNH DƯƠNG - Chủ đầu tư cần chọn màu sắc, vật liệu và lối chiếu sáng phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng thành thị, theo kiến trúc sư tại Compass One.
Ông Jonathan Trouillon, Tổng giám đốc Kobi Lighting Studio là chuyên gia tư vấn về ánh sáng trong thiết kế mặt đứng tòa nhà và cảnh quan cho dự án căn hộ Compass One do chủ đầu tư Tây Hồ Group triển khai tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Là một kiến trúc sư người Pháp gốc Việt đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam 10 năm, ông có nhiều trải nghiệm về tư vấn thiết kế chiếu sáng cho công trình.
Tại dự án căn hộ Compass One, chủ đầu tư và đội ngũ kiến trúc sư tại Kobi đã dành nhiều tâm huyết triển khai phương án thiết kế ánh sáng cho tòa nhà, ứng dụng màu sắc, vật liệu và lối chiếu sáng thông minh, giúp giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng, giảm tác động của ánh sáng nhân tạo lên sức khỏe cư dân và môi trường.
Ông Jonathan Trouillon chia sẻ với VnExpress về ô nhiễm ánh sáng tại thành thị và giải pháp của đơn vị này với Compass One.
- Ông đánh giá như thế nào về ánh sáng đô thị tại Việt Nam?
Trong 10 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi đã tham gia thiết kế và tư vấn về chiếu sáng cho hàng chục công trình dân dụng, nhà xưởng. Từ trải nghiệm của chính mình khi lái xe trên đường phố Sài Gòn, tôi thấy rõ thành phố đang chuyển động và thay đổi từng ngày. Bên cạnh tốc độ đô thị hóa cao vốn mang đến diện mạo hiện đại hơn, TP HCM cũng đang đối mặt với ô nhiễm ánh sáng, tương tự như các đô thị lớn trên thế giới, kể cả ở Pháp, Đức hay châu Âu.
Ô nhiễm ánh sáng là khi các loại ánh sáng nhân tạo, gồm cả ánh sáng từ thiết bị chiếu sáng công cộng vào ban đêm hay phản chiếu từ các tòa nhà vào buổi sáng, gây tác động bất lợi đến trải nghiệm thị giác, hạn chế tầm nhìn, lãng phí năng lượng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ít nhiều chúng ta đã từng bị lóa mắt khi chạy xe ngang những tòa nhà phủ kính có độ phản chiếu quá cao, hay bị hạn chế tầm nhìn khi một chiếc ôtô đèn pha lướt ngang qua trên đường... Đó là một số biểu hiệu đơn giản của ô nhiễm ánh sáng vốn đang gia tăng tại các thành phố lớn. Và đây là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức tại nhiều nơi trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Tại Pháp, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư đã dành nhiều năm để vận động chính sách quản lý sự gia tăng của ô nhiễm ánh sáng. Phải đến năm 2018, Chính phủ Pháp mới ban hành một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quy định chi tiết về các thông số, vật liệu, tiêu chí... nhằm hướng dẫn cụ thể các phương pháp ứng dụng thiết kế ánh sáng hiệu quả và hài hòa với cảnh quan chung, giảm thiểu tác động lên con người và môi trường.
Trong khi đó tại Việt Nam, hiện nay, dù các quy chuẩn về chiếu sáng đã được ngành xây dựng ban hành nhưng mới chỉ áp dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, cho chiếu sáng đô thị, khu vực công cộng, nơi làm việc, nơi ở với các tiêu chuẩn cơ bản. Việc ý thức về nguồn ô nhiễm và có những biện pháp cụ thể trong quy hoạch, thiết kế, vận hành và sử dụng nguồn ánh sáng này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các chủ đầu tư.
- Riêng trên phân khúc nhà ở, ô nhiễm ánh sáng thể hiện như thế nào?
- Chưa có nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản nhà ở quan tâm đúng mức đến thiết kế, quy hoạch ánh sáng trong không gian sống. Những yếu tố thường được ưu tiên hơn cả là thiết kế mặt đứng của tòa nhà, tiện ích, cảnh quan và sau đó nếu có, là ánh sáng. Tuy nhiên thực tế ánh sáng đóng vai trò quan trọng xuyên suốt trải nghiệm của cư dân - những người dùng cuối trong lĩnh vực bất động sản. Ánh sáng là nhân tố hiện diện mọi lúc mọi nơi và cần quan tâm đúng mức để tạo ra một không gian sống mà chúng ta gọi là tổ ấm đúng nghĩa.
Với công trình nhà ở, ô nhiễm ánh sáng do phản chiếu ánh nắng trực tiếp trên mặt kính của tòa nhà có thể được giảm thiểu do đặc tính loại công trình này không phủ kính toàn bộ như cao ốc văn phòng mà chúng ta thường thấy. Tuy nhiên, ô nhiễm ánh sáng cũng có thể xảy ra nếu bố trí hướng nhìn của tòa nhà không hợp lý dẫn đến ánh nắng gay gắt vào buổi trưa hoặc ánh nắng có nhiệt lượng cao của mặt trời phía Tây chiếu trực tiếp vào cửa sổ, gây hạn chế tầm nhìn của gia chủ và tăng nhiệt trong nhà, từ đó gây lãng phí điện năng khi phải tăng sử dụng máy điều hòa để làm mát không khí.
Việc lạm dụng ánh sáng trực tiếp, cường độ mạnh, đặc biệt tại khu vực công cộng, cảnh quan, tiện ích chung về lâu dài cũng có thể gây hại đến sức khỏe của cư dân, gây rối loạn nhịp sinh học, căng thẳng, mệt mỏi, góp phần gây ra các bệnh lý mạn tính.
Mặt khác, việc bố trí hệ đèn có mức sáng quá chênh lệch giữa các gian phòng, các khu vực, cũng có thể gây chói hoặc hạn chế tầm nhìn khi cư dân đi từ khu vực này sang khu vực khác, như khi chúng ta bước từ chỗ quá tối sang chỗ quá sáng và ngược lại, khiến mắt phải dành một khoảng thời gian mới có thể điều tiết, từ đó tạo trải nghiệm không tốt cho cư dân.
- Vậy giải pháp đối với những vấn đề trên là gì?
- Trước hết chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của ánh sáng khi phát triển một dự án. Trên phương diện nhận thức về vấn đề này, tôi cho rằng mình đã may mắn khi gặp được một đối tác tâm huyết như Tây Hồ Group. Chính họ là những người đặt vấn đề làm thế nào tạo trải nghiệm về thị giác tốt nhất cho cư dân.
Trên cơ sở bài toán duy nhất đó, chúng tôi triển khai các phương án chiếu sáng phù hợp với từng không gian, khu vực trong dự án, để khi từ bên ngoài nhìn vào mặt đứng của tòa nhà hay từ bên trong căn hộ buông tầm nhìn ra cảnh quan xung quanh, đều có trải nghiệm thị giác tốt nhất có thể, cảm thụ hết vẻ đẹp của công trình, của không gian bao quanh mà không bị hạn chế bởi những luồng ánh sáng, kể cả tự nhiên hay nhân tạo.
Với tâm huyết và tiềm lực của chủ đầu tư, chúng tôi cùng nhau tìm kiếm một lối thiết kế tối ưu công năng, hiệu quả về mặt chi phí và thân thiện với người dùng cũng như môi trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo cả hai yếu tố: tính thẩm mỹ, độc đáo cho công trình với kỳ vọng đưa Compass One trở thành một biểu tượng về phong cách sống mới. Yếu tố thứ hai là tìm một lối thiết kế, xây dựng và sử dụng vật liệu hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, kể cả ở khía cạnh ánh sáng, giảm thiểu tác động đến con người và khí hậu. Nói nôm na, tòa nhà này phải thật ấn tượng nhưng cũng phải tạo trải nghiệm thị giác thân thiện, nhẹ nhàng và tinh tế.
- Cụ thể trải nghiệm thị giác, nhất là trải nghiệm về ánh sáng, của cư dân có thể được mô tả như thế nào tại dự án Compass One?
Công trình nhà ở không cần quá nhiều màu sắc hay hiệu ứng sặc sỡ, lấp lánh mà cần tạo trải nghiệm thị giác vừa đủ, tinh tế, thanh thoát, khiến cư dân cảm nhận được sự ấm áp, chào đón khi trở về nhà.
Về màu sắc, chúng tôi tránh sử dụng những màu cơ bản như xanh lá, đỏ, xanh dương, dễ gây cảm giác lòe loẹt, không phù hợp với không gian sống. Để tạo không gian sống an lành, thân thiện với môi trường và cư dân, chúng tôi chọn các màu sắc trung tính pha lẫn sắc trắng để tạo sắc độ nhẹ, tạo trải nghiệm thị giác dịu hơn.
Về ánh sáng, thử tưởng tượng bạn vừa từ văn phòng về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi, bạn sẽ không muốn thấy ánh sáng quá chói lóa gây "tức mắt", cũng không muốn bước vào một không gian tối tăm, ảm đạm. Ngược lại, chúng ta muốn bước vào một không gian có ánh sáng ấm áp, dịu nhẹ, riêng với lối đi dọc hành lang hoặc khu vực sảnh đón sẽ được dẫn dắt bởi dải đèn trắng, năng động hơn, tràn đầy năng lượng tích cực như chào mời chúng ta trở về tổ ấm của mình.
Trong khi đó, tại những khu vực khuyến khích hoạt động như gym, khu bơi lội... ánh sáng trực tiếp sẽ được ưu tiên nhằm tạo cảm giác năng động. Tuy nhiên giữa các khu vực cũng không được quá khác biệt về độ sáng, gây độ tương phản cao, dễ khiến mắt bị lóa hoặc quá tối khi đi từ khu vực này sang khu vực khác.
Tại khu tiện ích, cảnh quan chung, chúng tôi bố trí thiết bị chiếu sáng hài hòa với cây xanh, mặt nước, xem cây cối là những "cư dân" đặc biệt, cần được chăm sóc, nghỉ ngơi và có cảm thụ ánh sáng. Do đó chúng tôi không lạm dụng thiết bị chiếu sáng công cộng mà điều chỉnh độ sáng cũng như khung thời gian tắt mở phù hợp, để cây cối có thời gian nghỉ ngơi và sinh trưởng tốt trong mảng xanh rộng lớn nội khu. Đồng thời giúp cư dân cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp từ thiên nhiên dù ngày hay đêm.
Bên trong căn hộ, ánh sáng cũng cần được bố trí phù hợp sao cho đạt hiệu quả chiếu sáng tốt nhất nhưng sử dụng ít đèn nhất, tối ưu ánh sáng tự nhiên tốt cho sức khỏe con người, đồng thời giảm điện năng tiêu thụ do chiếu sáng và điều hòa không khí. Mặt khác, việc sử dụng vật liệu ở từng khu vực cũng được tính toán kỹ nhằm tránh ánh nắng phản chiếu trực tiếp vào căn hộ và vào người đi đường.
- Mô hình này đem đến hiệu quả như thế nào trong hiệu ứng thị giác, đồng thời tiết kiệm điện năng, chi phí vận hành, bảo dưỡng?
- Ánh sáng là chất liệu quan trọng góp phần tăng tính hấp dẫn, tôn giá trị của công trình. Với cách tiếp cận bền vững, thân thiện môi trường, hệ thống chiếu sáng do Tây Hồ Group đầu tư, lắp đặt cho Compass One vừa tăng cao tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo tiết kiệm điện năng hiệu quả cho tòa nhà, giúp cư dân giảm thiểu một phần chi phí vận hành khi tòa nhà đi vào hoạt động.
Với mỗi một giờ giảm chiếu sáng nhân tạo, chúng ta đã hạn chế được phần nào tác động của đèn điện lên sức khỏe con người và môi trường. Nhiệt lượng giảm đi từ hệ thống chiếu sáng cũng giúp không gian mát mẻ hơn, giảm được lượng điện năng dành cho chạy máy điều hòa.
Nếu mỗi công trình đều chú trọng đến yếu tố ánh sáng khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và vận hành, tôi tin thành phố sẽ phát triển đúng tiềm năng theo cách bền vững, giảm ánh sáng chói, ánh sáng chiếm dụng bầu trời và tăng cơ hội để cư dân thành thị cảm thụ vẻ đẹp của thành phố cả ngày lẫn đêm.
Minh Anh